Critical thinking là gì?
Chắc hẳn bạn đã từng bắt gặp thuật ngữ critical thinking ở đâu đó trong sách hay trên mạng xã hội. Vậy chính xác critical thinking là gì? Critical thinking trong tiếng anh được hiểu là tư duy phản biện. Đúng như tên gọi, đây là một quá trình tư duy phân tích, đánh giá các vấn đề hoặc giả thuyết để một người có thể đưa ra quan điểm, tự chứng minh bảo vệ luận điểm của mình một cách khoa học, nhất quán và đưa ra những luận điểm phản biện đối với những ý kiến trái chiều.
Không nên nhầm lẫn tư duy phản biện với việc chỉ trích người khác. Mặc dù tư duy phản biện có thể được sử dụng trong việc phản bác lại những sai lầm của người khác, nhưng tư duy phản biện cũng đóng một vai trò mang tính xây dựng trong một tập thể. Tư duy phản biện có thể giúp chúng ta tiếp thu kiến thức, nâng cao và củng cố lập luận. Chúng ta có thể sử dụng tư duy phản biện để tối ưu quy trình làm việc và cải thiện những điều chưa tốt trong xã hội.
Tầm quan trọng của kỹ năng tư duy phản biện (Critical thinking)
1. Kỹ năng cần thiết trong nền kinh tế hiện đại
Tư duy phản biện rất quan trọng trong nền kinh tế hiện đại ngày nay. Con người đang phải thích nghi với những thay đổi của nền kinh tế một cách nhanh chóng và hiệu quả. Nền kinh tế hiện đại đặt ra yêu cầu ngày càng cao về trí tuệ, khả năng phân tích thông tin và tìm kiếm các nguồn tri thức để giải quyết vấn đề. Critical thinking sẽ thúc đẩy các kỹ năng nói trên phát triển mạnh mẽ. Đây chính là yếu tố quan trọng trong môi trường làm việc thời nay.
2. Cải thiện khả năng thuyết trình, nêu quan điểm ý kiến
Tư duy phản biện cũng góp phần nâng cao kỹ năng sử dụng ngôn ngữ và thuyết trình. Với lối suy nghĩ logic và hệ thống có thể cải thiện cách bạn thể hiện ý tưởng của mình. Tư duy phản biện cũng cải thiện khả năng đọc hiểu và phân tích tính logic của văn bản.
3. Thúc đẩy sự sáng tạo
Tư duy phản biện cũng thúc đẩy sự sáng tạo của con người. Để đưa ra một giải pháp sáng tạo cho một vấn đề không chỉ đơn giản là việc đưa ra những ý tưởng mới, mà cần phải đánh giá, xem xét thật kỹ lưỡng. Tư duy phản biện đóng một vai trò quan trọng trong việc đánh giá những ý tưởng mới, lựa chọn những ý tưởng tốt nhất và đưa ra những góp ý sửa đổi nếu cần.
4. Phát triển bản thân và xã hội
Con người cần có tư duy phản biện để nhìn nhận và đánh giá bản thân một cách chính xác, từ đó tự đưa ra những quyết định đúng đắn hoặc đưa ra phương án điều chỉnh nếu gặp sai sót, cân bằng công việc và cuộc sống. Critical thinking cũng giúp con người suy nghĩ sáng suốt hơn về các vấn đề xảy ra trong xã hội, biết phân biệt đúng sai và lan tỏa những thông điệp ý nghĩa đến toàn cộng đồng.
Các cấp độ tư duy phản biện (Critical thinking)
Cấp 1: Nghĩ rõ ràng, nói mạch lạc về một chủ đề nào đó
Đây chính là vấn đề mà nhiều công ty mất thời gian hàng giờ đồng hồ vào các cuộc họp mà không giải quyết được vấn đề. Việc trình bày vấn đề và diễn đạt quan điểm của lãnh đạo hoặc nhân viên không rõ ràng đã gây ra sự khó hiểu và tốn nhiều thời gian hơn dành cho việc giải thích, phản biện lẫn nhau. Cho tới cuối cùng vẫn không giải quyết được vấn đề ban đầu.
Cấp 2: Suy nghĩ có tính logic, từ đó lý luận bằng lời nói đưa ra sẽ đanh thép hơn.
Để đưa ra luận điểm và bảo vệ luận điểm ấy cũng cần sự diễn đạt một cách logic, khoa học để người nghe hiểu vấn đề, tránh mất thì giờ giải thích cặn kẽ. Ví dụ khi bạn phát biểu ý kiến ở công ty, bạn sẽ bắt đầu phần trình bày của mình bằng cấu trúc như sau: “Thưa ban lãnh đạo và các đồng nghiệp, quan điểm của tôi về vấn đề này là … Lý do tôi đưa ra ý kiến này là … Cách khắc phục vấn đề này là …”
Cấp 3: Mở đầu tranh luận
Nếu bạn là một sinh viên hay người đã đi làm, chắc hẳn bạn cũng đã từng tham gia một buổi tranh luận sau thuyết trình. Việc ai đó đưa ra câu hỏi phản biện chính là mở đầu cho cuộc tranh luận nhằm phản bác ý kiến của bạn. Đừng lo lắng khi gặp phải những câu hỏi phản bác thế này. Hãy bình tĩnh đưa ra bằng chứng và lập luận thuyết phục để bảo vệ quan điểm của mình. Nếu ý kiến của người kia là đúng và mang ý nghĩa đóng góp tích cực, hãy đón nhận nó.
Cấp 4: Tranh luận tích cực
Để cuộc tranh luận diễn ra một cách tích cực, có tính đóng góp cho tập thể, tránh trở thành những cuộc cãi vã tốn thời gian, bạn phải nhận định, phân tích ý kiến phản bác và có tư duy logic, nhất quán để phản biện lại đúng trọng tâm.
Cấp 5: Thường xuyên thực hành phản biện
Việc tập luyện kỹ năng critical thinking thường xuyên sẽ giúp phát triển tư duy logic của bạn, từ đó bạn có thể đưa ra những quyết định đúng đắn hơn trong mọi công việc hay xử lý chính xác những tình huống ngoài xã hội. Hãy tập luyện ngay trên giảng đường hoặc tại nơi làm việc để nâng cao khả năng tư duy logic của mình.
Cấp 6: Tư duy phản biện đã trở thành một kỹ năng
Lúc này, có thể nói kỹ năng critical thinking của bạn đã đạt đến một trình độ cao nhất định. Bạn có thể dùng kỹ năng này áp dụng vào nơi làm việc hoặc trường học để thể hiện năng lực bản thân rồi.
3 cách rèn luyện tư duy phản biện
Cách 1không ngừng đặt câu hỏi: Để đặt được câu hỏi cho người khác thì chứng tỏ bạn cũng đang quan tâm đến vấn đề đang nói tới. Người ta sẽ đánh giá năng lực của bạn qua những câu hỏi, vì điều đó cho thấy bạn đang rất tập trung vào việc giải quyết vấn đề đó. Vì vậy nếu có bất kỳ thắc mắc nào đó, bạn nên mạnh dạn hỏi để có thể tiếp thu thêm kiến thức mới.
* Đọc thêm : Cách đặt câu hỏi
Luôn tìm tòi, trau dồi kiến thức: Bạn không thể tranh luận với người khác nếu bạn không hề có kiến thức về lĩnh vực đó. Vì vậy, trau dồi, tìm tòi thông tin và hoàn thiện kiến thức thông qua các tài liệu là điều rất cần thiết. Hiện nay với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, việc tìm kiếm tài liệu chắc hẳn không phải là điều gì đó quá khó khăn đúng không?
* Đọc thêm : các cuốn sách hay về tư duy phản biện ( Critical thinking)
Có cái nhìn đa chiều – hãy biết tiếp thu: Tư duy phản biện không có nghĩa là bạn nhất quyết cho rằng lập luận của mình luôn đúng trong mọi trường hợp. Hãy là một người có cái nhìn đa chiều và mở lòng tiếp thu những ý kiến đúng đắn. Điều này không những giúp bạn phát triển bản thân mà còn đóng góp những ý kiến tích cực cho tập thể, cộng đồng.