Đôi nét về Chùa Hương
Chùa Hương hay còn được gọi là chùa Hương Sơn thuộc xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Đây là một trong những quần thể di tích cổ với nhiều nét đặc trưng của văn hóa dân tộc Việt Nam được gìn giữ bao đời, đặc biệt là nét văn hóa tâm linh. Đến du lịch chùa Hương, bạn không chỉ được ngắm nhìn khung cảnh thiên nhiên non nước hữu tình mà còn có cơ hội chiêm ngưỡng không gian linh thiêng và thắp nhang chiêm bái tại những ngôi đền thờ thần, ngôi chùa thờ Phật hay các ngôi đình cổ kính trang nghiêm.
Từ trung tâm Hà Nội, các bạn hoàn toàn có thể đi du lịch trong ngày đến chùa Hương vì khoảng cách cũng khá gần và đường đi không khó. Bạn có thể di chuyển đến đây theo nhiều hướng khác nhau và bằng nhiều phương tiện khác nhau.
Với tuyến đường này bạn sẽ đi qua Quốc lộ 21B với khoảng 55.5km và hết 1 giờ 50 phút.
- Từ trung tâm Hà Nội, bạn xuất phát theo hướng đường Tôn Đức Thắng về phía Cát Linh. Sau đó, bạn lần lượt rẽ vào các đường Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Thái Hà, Chùa Bộc rồi tiếp tục qua cầu vượt Ngã tư Sở thì nhập vào đường Nguyễn Trãi. Từ đây, bạn tiếp tục đi thẳng rồi rẽ vào đường Trần Phú. Sau khi đi được 1.8km thì bạn rẽ trái vào Phùng Hưng rồi đi vào đường Tô Hiệu.
- Từ đường Tô Hiệu bạn tiếp tục lần lượt rẽ vào đường Bà Triệu, Hà Trì, Đa Sỹ, Lê Trọng Tấn Kéo Dài. Từ đây, bạn chạy xe theo hướng đường dẫn đến ĐT427B được 650m thì rẽ phải 4km nữa rồi rẽ trái là tới Quốc lộ 21B. Từ đường Quốc lộ này, bạn đi khoảng 19.6km nữa thì vào Tỉnh lộ 76. Đến đây, bạn cứ chạy thẳng đến vòng xuyến tại Đại Đồng thì đi theo lối ra thứ 4 vào Đại Nghĩa. Đi khoảng 10.7 km nữa là đến Hội Xá Hương Sơn. Từ đây, bạn phải gửi xe và di chuyển bằng thuyền để ghé qua chùa Hương.
Nếu chọn tuyến này bạn sẽ đi qua ĐCT Pháp Vân – Cầu Giẽ với khoảng 65km và hết 1 giờ 30 phút
- Từ trung tâm thành phố, bạn đi theo hướng Xã Đàn và Giải Phóng đến ĐCT Pháp Vân – Cầu Giẽ tại Hoàng Liệt. Sau đó, bạn đi khoảng 37.1km đường cao tốc này rồi đi theo lối ra về hướng QL38. Qua đoạn này bạn sẽ mất phí cầu đường nên hãy chuẩn bị tiền trước nhé. Đến đây, bạn tiếp tục chạy thẳng Quốc lộ 38 rồi rẽ phải vào quốc lộ 21B. Từ đây, bạn chỉ cần đi theo hướng dẫn như ở tuyến đường đi bằng xe máy là tới được chùa Hương.
Nếu chọn phương tiện di chuyển là xe bus công cộng thì các bạn hãy bắt chuyến xe số 211 để đến chùa Hương với lịch trình Bến Xe Mỹ Đình – Phạm Hùng – Khuất Duy Tiến – Nguyễn Trãi – Trần Phú – Quang Trung – Quốc lộ 6 – Ngã ba Ba La – Quốc lộ 21 B – Tế Tiêu. Để bắt tuyến bus này, bạn có thể đi từ bến Mỹ Đình hoặc đi các tuyến 01, 02 ra điểm bus ở đường Trần Phú để bắt xe 211. Bạn nhớ hỏi các bác phụ xe bus để xuống đúng điểm nhé.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo khoảng cách từ một số địa điểm ở Hà Nội đi Chùa Hương để chọn tuyến đường gần với vị trí của mình nhất:
- Huyện Ứng Hòa cách 17.5 km
- Huyện Thanh Oai cách 36.1 km
- Huyện Chương Mỹ cách 42.8 km
- Huyện Mê Linh cách 88.8 km
- Huyện Phúc Thọ cách 92.3 km
- Huyện Sóc Sơn cách 108 km
- Huyện Thường Tín cách 48.2 km
- Thị xã Sơn Tây cách 74.7 km
- Huyện Hoài Đức cách 76 km
- Huyện Đan Phượng cách 81.2 km
- Huyện Thanh Trì cách 54.6 km
- Từ trung tâm Hà Nội (quận Hoàn Kiếm) cách 55.5 km
- Huyện Thạch Thất cách 62.1 km
- Huyện Quốc Oai cách 62.7 km
- Huyện Gia Lâm cách 74.1 km
- Huyện Bà Vì cách 88.5 km
Mỗi mùa ở chùa Hương đều có vẻ đẹp riêng nên bạn có thể tham quan nơi này quanh năm. Nếu đi lễ thì bạn nên đến khoảng thời gian từ tháng 1 đến hết tháng 3 âm lịch, đây là thời gian diễn ra lễ hội chùa Hương, đặc biệt thời gian cao điểm nhất là từ rằm tháng giêng đến 18 tháng hai âm lịch. Đi vào dịp này bạn sẽ có cơ hội tham dự và hòa mình vào không khí tưng bừng của những hoạt động sinh hoạt văn hóa đặc sắc của lễ hội.
Du khách thường từ Hà Nội đi Chùa Hương vào thời điểm diễn ra Lễ hội Chùa Hương rất náo nhiệt
Tuy nhiên, nếu mục đích là vãn cảnh thì bạn nên tránh khoảng thời gian cao điểm của lễ hội vì lúc này du khách thập phương hành hương lễ Phật sẽ vô cùng đông đúc nên khó tránh khỏi tình trạng xô bồ chen lấn, các dịch vụ bị đội giá và chặt chém. Vào cuối tháng 10 đầu tháng 11 là thời điểm khá lý tưởng để ghé thăm chùa Hương, đi thuyền trên dải suối Yến khi hoa súng nở rực rỡ cùng cánh đồng lau bất tận sẽ là khung cảnh thơ mộng rất thích hợp cho bạn vãn cảnh và lưu lại những hình ảnh đẹp.
- Khi du lịch chùa Hương, bạn nên đi theo nhóm khoảng 5 – 7 người sẽ tốt hơn là đi đơn lẻ vì sẽ tiết kiệm tiền đò, bạn cũng nên chủ động đổi tiền lẻ trước khi xuất phát nhé. Nên nhớ, trang phục đi lễ chùa cần đứng đắn, trang nhã.
- Để đảm bảo sức khỏe và sử dụng thời gian tối ưu cho chuyến đi, bạn nên lựa chọn lên chùa bằng cáp treo và đi bộ xuống để chiêm ngưỡng toàn bộ vẻ đẹp của vùng non nước.
- Khi đi lễ chùa thì việc chuẩn bị đồ cúng lễ rất quan trọng, tốt nhất bạn nên chuẩn bị sẵn ở nhà để vừa chủ động thời gian lại có thể vừa tiết kiệm tiền bạc. Bạn không nên mang lễ mặn mà hãy dâng lễ ngọt như vàng, hương, rượu cúng, hoa quả, bánh kẹo cùng tiền lẻ. Nếu chưa chuẩn bị trước ở nhà thì bạn có thể mua ở khu vực suối Yến vì càng đi sâu vào trong càng có nhiều hàng bày bán đồ cúng nhưng giá khá đắt, thậm chí có thể tăng gấp đôi.
- Các bạn cũng chú ý tuyệt đối không nghe theo lời “cò” mời chào, câu kéo nhé. Để tránh bị lừa đảo hoặc chặt chém, bạn nên mua vé tại điểm bán vé ở ngay cổng khu di tích của Ban tổ chức với giá vé 80.000 đồng/người. Khi đi đò, nếu đi 1-2 người, bạn nên đến suối Yến để tìm đò đi ghép và trước khi xuống đò cũng không được quên thỏa thuận giá cả rõ ràng với chủ đò, tránh trường hợp bị nhồi nhét thêm người hay tăng tiền. Giá đò hiện tại đi tuyến Hương Tích là 35.000 đồng/ người.
- Bạn cũng cần cảnh giác với dịch vụ bói toán và các trò đỏ đen, đây là những tệ nạn khá phổ biến diễn ra ở hầu hết các lễ hội chứ không chỉ ở chùa Hương. Đồng thời, do mỗi mùa cao điểm của lễ hội ở chùa Hương lại tập trung rất nhiều người nên không ít kẻ gian đã lợi dụng sự đông đúc này để tranh thủ móc trộm điện thoại, ví của du khách nên bạn cần hết sức cảnh giác và cẩn thận để bảo vệ tài sản của mình.
- Để tránh trường hợp bị chặt chém hay hét giá gấp nhiều lần, bạn nên hỏi rõ giá trước quyết định mua bất kỳ một món hàng nào. Một số đặc sản ở chùa Hương như mơ rừng hay rau sắng nếu mua ở gần suối Yến sẽ có giá hợp lý hơn so với nơi khác.
- Bạn sẽ sử dụng rất nhiều đồ ăn thức uống khi du lịch chùa Hương nên hãy luôn nhớ vứt rác đúng nơi quy định và giữ gìn vệ sinh chung để bảo vệ môi trường khu du lịch sạch sẽ nhé.
- Vì sẽ di chuyển nhiều nên thay vì giày cao gót, bạn hãy chuẩn bị những đôi giày thể thao hoặc giày đế mềm để đi lại thuận tiện nhé.
- Do đây là nơi chốn tâm linh nên các bạn nên chọn trang phục kín đáo, không quá bó để dễ dàng di chuyển cũng như hoạt động, ngoài ra nên mang theo ô dù.
- Không làm ồn hay dùng từ khiếm nhã bởi đây là nơi cửa Phật.
Chùa Hương là ngôi chùa đẹp, tâm linh và lâu đời ở nước ta. Lễ hội chùa Hương được tổ chức rầm rộ mỗi năm đã thu hút rất nhiều lượt khách du lịch trong nước và quốc tế đến tham gia và bái Phật. Đường từ Hà Nội đi Chùa Hương khá gần nên các bạn có dịp đến du lịch Hà Nội, công tác thì đừng ngại dành thời gian vãn cảnh chùa Hương một lần nhé.